Ngày 13-4, tại tỉnh Hòa Bình, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phối hợp với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua chung tay “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên phạm vi cả nước trong năm 2025 bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu 63 tỉnh, thành phố. Dự lễ có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Minh Chiến. Tại điểm cầu Khánh Hòa, các ông: Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hà Quốc Trị - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trần Ngọc Thanh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Lê Hữu Hoàng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đại diện các ban, ngành, đoàn thể tham dự buổi lễ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ phát động phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong cả nước. Ảnh: baochinhphu.vn.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phong trào thi đua chung tay “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên phạm vi cả nước là nhằm cụ thể hoá Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24-1-2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, với mục tiêu vận động xây dựng, sửa chữa 170.000 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên cả nước từ nay đến hết năm 2025. Để tạo khí thế thi đua sôi nổi và triển khai hiệu quả phong trào thi đua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, người dân và doanh nghiệp trong cả nước cùng chung tay, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ “xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên phạm vi cả nước trong năm 2025; phát huy các nguồn lực của nhà nước, xã hội, doanh nghiệp với tinh thần tương thân tương ái “lá lành đùm lá rách”, “lá rách đùm lá rách hơn” để có đủ nguồn lực thực hiện thành công mục tiêu đề ra. Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị cần bảo đảm quy định, cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả để thực hiện chương trình; bảo đảm không hình thức, màu mè, công trình phải có chất lượng và đúng đối tượng thụ hưởng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, công khai minh bạch, chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng; triển khai đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ người dân có công ăn, việc làm, sinh kế, không chỉ thoát nghèo và tiến tới có cuộc sống ấm no, đủ đầy hơn…
Ngay tại buổi lễ phát động, nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã hưởng ứng phong trào thi đua và ủng hộ tổng kinh phí là 337 tỷ đồng, tương đương xây dựng 6.720 căn nhà cho các hộ khó khăn về nhà ở. Ban vận động quyết định, đợt một, ưu tiên phân bổ kinh phí cho 40 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao; có số lượng lớn nhà tạm, nhà dột nát cần được hỗ trợ. Trong đó, 24 địa phương được hỗ trợ mức 10 tỷ đồng và 16 địa phương được hỗ trợ mức 5 tỷ đồng. Khánh Hòa là 1 trong 16 địa phương được phân bổ mức hỗ trợ 5 tỷ đồng để xây dựng nhà cho các đối tượng.
BẢO ANH
* Theo rà soát của các bộ, ngành, địa phương, hiện nay, số hộ nghèo, cận nghèo cần hỗ trợ về nhà ở trong cả nước là hơn 315.000 hộ; các địa phương đang nỗ lực triển khai để đến hết năm 2025 hỗ trợ nhà ở cho khoảng 145.000 hộ nghèo, cận nghèo (theo Chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo và hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia). Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn khoảng 170.000 hộ nghèo, cận nghèo chưa thuộc đối tượng hỗ trợ, phải sống trong những căn nhà tạm, nhà dột nát, một bộ phận người dân còn thiếu hạ tầng thiết yếu, các dịch vụ xã hội cơ bản (nước sạch, điện, phủ sóng truyền thông, y tế, giáo dục...).
|
Xem bài viết gốc tại đây