UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản về việc hướng dẫn triển khai thực hiện nhiệm vụ về giáo dục nghề nghiệp năm 2024.
Đổi mới phương thức đào tạo cho phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động.Ảnh minh họa. Ảnh: Lê Xưa.
Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội(LĐ - TB & XH) tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ về giáo dục nghề nghiệp năm 2024 trên địa bàn tỉnh theo hướng dẫn của Bộ LĐ - TB & XH tại Công văn số 1787/BLĐTBXH-TCGDNN ngày 26-4-2024; báo cáo, tham mưu các nội dung thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh (trong đó tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp; chú trọng tư vấn, tuyển sinh, đào tạo các ngành nghề mới nổi, đổi mới phương thức đào tạo cho phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động, tiếp tục xây dựng Đề án Phát triển mạng lưới giáo dục nghề nghiệp tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045).
Trước đó, Bộ LĐ - TB & XH đã có công văn yêu cầu UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ban, ngành và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thực hiện một số nội dung sau:Rà soát kế hoạch chỉ tiêu, nhiệm vụ về giáo dục nghề nghiệp năm 2024và giai đoạn 2021-2025 của địa phương, đơn vị để chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Xác định mục tiêu và đẩy mạnh công tác truyền thông, phân luồng học sinh vào giáo dục nghề nghiệp theo tinh thần Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 5-12-2011 của Bộ Chính trị và Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ. Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp. Chú trọng tư vấn tuyển sinh, đào tạo các ngành nghề mới nổi như: Sản xuất chíp bán dẫn, hydrogen, tín chỉ carbon... để cung cấp nguồn nhân lực lao động phù hợp với yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội; chú ý công tác tuyển sinh, đào tạo cho con em các dân tộc thiểu số, ít người, tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng kinh tế khó khăn.Xây dựng, cập nhật bổ sung chương trình, đổi mới phương thức đào tạo cho phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động và đa dạng các hình thức tổ chức đào tạo hiện nay. Đẩy mạnh tổ chức đào tạo các chương trình chất lượng cao, đào tạo thường xuyên, đào tạo lại và các hình thức đào tạo từ xa, vừa làm vừa học. Tăng cường kết nối, hợp tác doanh nghiệp trong tổ chức đào tạo, đánh giá người học và giải quyết việc làm sau đào tạo.Thực hiện đăng ký, đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp để đảm bảo quy mô tuyển sinh/năm theo kế hoạch; tổ chức đào tạo theo quy mô tuyển sinh đúng quy định của pháp luật. Rà soát, bổ sung các điều kiện đảm bảo chất lượng về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất thiết bị nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu của nguồn nhân lực và quy định của pháp luật. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, đúng quy định của pháp luật đối với các nội dung thành phần, tiểu dự án về giáo dục nghề nghiệp thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Tổ chức triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động, đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa... theo quy định.Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giáo dục nghề nghiệp…
THANH HIỀN
Xem bài viết gốc tại đây