Hôm nay (17-5), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Kết luận số 01 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Báo Khánh Hòa phỏng vấn ông Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh về những kết quả trong học tập và làm theo Bác.
Ông Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh.
Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thấm sâu vào đời sống xã hội
- Xin ông cho biết những điểm nổi bật trong việc triển khai thực hiện Kết luận số 01 của Bộ Chính trị thời gian qua?
- Thực hiện Kết luận số 01 của Bộ Chính trị, các kế hoạch, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương và Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, 3 năm qua, Đảng bộ tỉnh đã triển khai nghiêm túc việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, cấp ủy, chính quyền các cấp đã ban hành hơn 5.000 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai gắn với các nghị quyết của Trung ương về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và nhiệm vụ của từng địa phương, đơn vị. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nghiên cứu, cụ thể hóa chuyên đề toàn khóa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng thành các chuyên đề hàng năm, đảm bảo sát với thực tiễn của tỉnh như: “Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam gắn với khát vọng xây dựng tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030” (năm 2023); “Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên tỉnh Khánh Hòa tiên phong, gương mẫu, có đạo đức cách mạng trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ” (năm 2024).
Việc tổ chức hội nghị học tập, quán triệt các chuyên đề được đổi mới, kết hợp hình thức học trực tiếp với trực tuyến, kết nối điểm cầu từ tỉnh đến cơ sở. Các tài liệu được số hóa, gửi mã QR-Code về các địa phương, đơn vị để mỗi cán bộ, đảng viên có thể dễ dàng tiếp cận nội dung học tập. Tỷ lệ đảng viên tham gia học tập các chuyên đề hàng năm đều đạt trên 97%; hầu hết cán bộ, đảng viên viết và triển khai thực hiện nghiêm túc bản đăng ký hàng năm. Cùng với đó, công tác tuyên truyền ngày càng được đổi mới về hình thức, đa dạng về nội dung, nâng cao về chất lượng, đã đưa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thấm sâu vào đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, góp phần phát huy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển địa phương, đơn vị, của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Đặc biệt, trong quá trình triển khai thực hiện, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; tự đề ra các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá để tập trung thực hiện; phát huy mạnh mẽ những giá trị tốt đẹp về văn hóa, chuẩn mực đạo đức và tiềm năng, sức sáng tạo của con người Khánh Hòa. Từ đó, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ được xác định tại Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp.
Đảng viên, đoàn viên Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế (Sở Y tế) tham quan triển lãm Chiến thắng Điện Biên Phủ ở Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (TP.Nha Trang).
Chuyển biến rõ nét trong học tập và làm theo Bác
- Ông có thể cho biết về những chuyển biến tích cực qua việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh?
- Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã đạt được kết quả rất tích cực, nhiều địa phương, đơn vị đã chuyển dần từ học tập sang làm theo Bác. Các địa phương, đơn vị luôn sâu sát, quan tâm, chăm lo phát triển KT-XH, nâng cao đời sống của người dân; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo; giải quyết việc làm, giảm nghèo; các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tình nguyện vì cộng đồng…, nhất là ở khu vực miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, đã kéo tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh tính đến hết năm 2023 còn 2,11%, mức giảm đạt 2,3% (chỉ tiêu giao là 1,12%); không còn hộ nghèo có thành viên trong hộ là người có công với cách mạng; đồng thời, nỗ lực thực hiện Đề án giảm nghèo bền vững ở hai huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, phấn đấu đưa hai huyện này ra khỏi danh sách huyện nghèo của cả nước vào năm 2024.
Việc thực hiện dân chủ ở cơ sở được cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở chỉ đạo triển khai hiệu quả. Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại; tổ chức hội nghị, diễn đàn để đối thoại, lắng nghe, giải quyết kiến nghị của nhân dân được quan tâm thực hiện nghiêm túc. HĐND các cấp tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động, nhất là công tác giám sát, chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp.
Các địa phương đã gắn chặt việc học tập và làm theo Bác với việc triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH; tập trung giải quyết dứt điểm những nhiệm vụ trọng tâm, nhất là những vấn đề nổi cộm, còn nhiều ý kiến trong dư luận, điển hình như: Thành ủy Nha Trang chỉ đạo khắc phục những tồn tại trên các lĩnh vực quản lý đất đai, khoáng sản, trật tự xây dựng và mỹ quan đô thị; Thị ủy Ninh Hòa tăng cường tuyên truyền vận động các hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án trên địa bàn đồng thuận với chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bàn giao mặt bằng phục vụ các dự án; Huyện ủy Cam Lâm và Diên Khánh tăng cường lãnh đạo đối với công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường; Huyện ủy Khánh Sơn và Khánh Vĩnh chỉ đạo thúc đẩy phát triển KT-XH, triển khai thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo…
Trong việc học tập và làm theo Bác, bên cạnh các phong trào thi đua do tỉnh triển khai đã xuất hiện hàng trăm mô hình sáng tạo về cải cách hành chính, phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh - quốc phòng được các cấp, ngành duy trì, nhân rộng, như: “Chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về tội phạm và tệ nạn ma túy tại địa bàn phường Vĩnh Phước”, “Tổ liên gia an toàn về phòng cháy chữa cháy” (phường Vĩnh Phước, Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang); “Dùng mã QR-Code đánh giá cán bộ, công chức tham gia giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ” (thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh); “Mỗi đoàn thể xã giúp đỡ 2 hội viên trong phát triển kinh tế” (xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn); “Câu lạc bộ sinh viên tình nguyện vì cộng đồng” (Trường Đại học Khánh Hòa); “Phân công đảng viên đồn biên phòng phụ trách các hộ gia đình” (Bộ đội Biên phòng tỉnh); các mô hình chăm lo cho đoàn viên, hội viên của Mặt trận, đoàn thể… Mỗi phong trào, cuộc vận động mang ý nghĩa riêng, tạo nên sức mạnh tổng thể, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm trong công việc của mỗi cán bộ, đảng viên, người lao động, từ đó nhiều sáng kiến được ứng dụng vào thực tiễn, góp phần phát triển KT-XH.
Có thể khẳng định, việc triển khai đẩy mạnh học tập và làm theo Bác đã thật sự đi vào cuộc sống, tác động tích cực vào kết quả phát triển KT-XH của địa phương trong thời gian qua. Nổi bật là sau 2 năm tăng trưởng âm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến năm 2022, tổng sản phẩm GRDP của tỉnh tăng 20,7% so với cùng kỳ, là tỉnh có mức tăng trưởng cao nhất cả nước. Năm 2023, GRDP tăng 10,35% so với năm 2022, xếp thứ 4 của cả nước và đứng đầu vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Quý I/2024, GRDP tăng 12,4%, đứng thứ 4 cả nước. Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số có nhiều chuyển biến tích cực, ý thức trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức ngày càng được nâng cao. Nhờ vậy, năm 2023, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) của tỉnh đạt 81,09%, xếp thứ 43/63, tăng 10 bậc so với năm 2022; chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) đạt 88,6%, xếp thứ 14/63, tăng 11 bậc so với năm 2022, đứng thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả quan trọng; tình hình an ninh - quốc phòng đảm bảo. Những kết quả đó là minh chứng sống động cho hiệu quả của việc triển khai đẩy mạnh học tập và làm theo Bác trên địa bàn tỉnh; đồng thời là yếu tố để góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, phát huy ý chí tự lực, tự cường, ra sức thi đua, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, KT-XH và các phong trào thi đua yêu nước trong toàn tỉnh.
- Theo ông, thời gian tới, toàn tỉnh cần phải làm gì để nâng cao hơn nữa chất lượng việc học tập và làm theo Bác?
- Thời gian tới, toàn Đảng bộ tỉnh cần tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để việc học tập và làm theo Bác ngày càng lan tỏa sâu rộng, thực chất. Theo đó, toàn Đảng bộ tỉnh cần thống nhất nhận thức và hành động về việc học tập và làm theo Bác là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, từ đó nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới việc học tập, làm theo Bác gắn với các nghị quyết của Trung ương về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị; tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ của cán bộ, đảng viên, người lao động sát với nhiệm vụ của từng đơn vị, từng ngành, tập trung vào việc xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân. Cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp làm tốt hơn nữa 3 nhiệm vụ: Học tập Bác, làm theo Bác và nêu gương, xác định đây là nhu cầu tự thân, tự giác, gắn với công việc hàng ngày và phong trào thi đua yêu nước. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền các cấp cần xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, các “điểm nghẽn” của địa phương, đơn vị để tập trung giải quyết dứt điểm, hiệu quả; tiếp tục lựa chọn những nội dung cốt lõi trong chuyên đề toàn khóa, chuyên đề hàng năm của tỉnh vào sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt thường kỳ của chi bộ, cơ quan, đơn vị.
Cùng với đó, đổi mới hơn nữa hình thức tuyên truyền về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để tạo sự lôi cuốn, lan tỏa sâu rộng trong toàn Đảng bộ tỉnh; tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng nghiên cứu, vận dụng, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh theo hướng khoa học, sáng tạo, gắn lý luận với thực tiễn; nâng cao tính khoa học, tính chiến đấu trong đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc, các quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước. Triển khai nghiêm túc đợt sinh hoạt chính trị “tự soi, tự sửa” về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng về nội dung tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”; tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Bên cạnh đó, cấp ủy các địa phương, đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện Kết luận số 01 gắn với các nghị quyết của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương; kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm sai phạm của các tập thể, cá nhân; tăng cường phát huy vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với cán bộ, đảng viên trong thực hiện quy định nêu gương...
- Xin cảm ơn ông!
Từ khi triển khai Kết luận số 01 đến nay, tỉnh có 4 tập thể, 5 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; 2 tập thể, 4 cá nhân được Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tặng bằng khen; 25 tập thể, 54 cá nhân được UBND tỉnh tặng bằng khen về thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, tỉnh có 18 tập thể, 22 cá nhân tiêu biểu được giới thiệu tham gia triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” hàng năm do Bảo tàng Hồ Chí Minh và Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức. Năm 2022 và 2023, tỉnh có 2 cá nhân điển hình được Ban Tuyên giáo Trung ương lựa chọn tham gia Chương trình “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng” để tôn vinh các điển hình tiêu biểu toàn quốc trong học tập và làm theo Bác…
Theo baokhanhhoa.vn
Xem bài viết gốc tại đây