Theo Báo cáo số 182/BC-UBND ngày 18/6/2024 của UBND tỉnh Khánh Hòa, trong 06 tháng đầu năm 2024, công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh Khánh Hòa đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật.
1. Công tác chỉ đạo điều hành CCHC được triển khai quyết liệt, đồng bộ, bám sát mục tiêu, nhiệm vụ chương trình, kế hoạch CCHC của Trung ương, của tỉnh; tình hình, kết quả thực hiện CCHC được theo dõi, đánh giá thường xuyên. UBND tỉnh đã ban hành 32 văn bản CCHC triển khai đầy đủ, kịp thời các nội dung chỉ đạo, hướng dẫn triển khai CCHC của trung ương; chỉ đạo các cơ quan tiếp tục đẩy mạnh CCHC một cách toàn diện trên tất cả lĩnh vực, nội dung CCHC. Đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác CCHC năm 2023 và triển khai kế hoạch CCHC năm 2024; hội nghị phân tích, đánh giá và bàn giải pháp cải thiện các Chỉ số PAR-Index, SIPAS, PCI, PAI của tỉnh trong năm 2024 và các năm tiếp theo. Đã ban hành và triển khai đảm bảo tiến độ và hiệu quả các kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh, Tổ Công tác Đề án 06;… Đã hoàn thành công tác khảo sát hài lòng năm 2023; đánh giá, xếp hạng CCHC các cơ quan, đơn vị năm 2023; tự đánh giá chấm điểm, xác định Chỉ số PAR-Index của tỉnh năm 2023.
Công tác tuyên truyền CCHC tiếp tục được triển khai quyết liệt, đồng bộ, tập trung vào 03 mục tiêu, 09 nội dung, 08 hình thức. Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa thực hiện 36 chuyên mục CCHC; Hệ thống Đài Phát thanh và Truyền hình các cấp thực hiện hơn 2.300 chuyên mục, tin bài CCHC. Báo Khánh Hòa đăng tải hơn 100 tin, bài, phóng sự CCHC. Các Cổng/Trang thông tin điện tử của tỉnh đăng tải hơn 1.700 tin bài/văn bản CCHC, thu hút hơn 700.000 lượt truy cập (riêng Cổng thông tin điện tử CCHC tỉnh đã đăng tải 1.132 tin bài/văn bản, thu hút 352.878 lượt truy cập; trung bình mỗi tháng khoảng 55.000 lượt truy cập). Các fanpage của CCHC tỉnh, Nha Trang ngày mới, Thông tin Nha Trang đăng tải hơn 1.200 tin bài, văn bản CCHC, thu hút hơn 32.000 lượt theo dõi và hơn 29.000 lượt yêu thích.
Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác CCHC tại hội nghị tổng kết công tác CCHC năm 2023
2. Công tác xây dựng và hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), quy hoạch, xúc tiến đầu tư, xúc tiến du lịch, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả nổi bật, thể chế kịp thời các chính sách của trung ương, Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội, Chương trình hành động số 30-CTr/TU của Tỉnh ủy.
Về xây dựng và tổ chức thực hiện VBQPPL: Tỉnh Khánh Hòa ban hành 44 VBQPPL (21 nghị quyết của HĐND tỉnh, 10 quyết định của UBND tỉnh, 13 quyết định của UBND cấp huyện). UBND tỉnh đã công bố danh mục 40 VBQPPL của HĐND tỉnh, UBND tỉnh hết hiệu lực toàn bộ và một phần năm 2023; công bố kết quả hệ thống hóa VBQPPL của HĐND, UBND tỉnh kỳ 2019 - 2023.
Về công tác quy hoạch và xúc tiến đầu tư, du lịch: UBND tỉnh đã ban hành và triển khai nhiều chương trình, đề cương, đề án, kế hoạch quan trọng về quy hoạch và xúc tiến đầu tư, du lịch (nổi bật như: Chương trình phát triển đô thị tỉnh Khánh Hoà đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đề cương nhiệm vụ tổng thể về xây dựng Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; chương trình xúc tiến đầu tư năm 2024; Kế hoạch tổ chức Liên hoan Du lịch Biển Nha Trang 2024; kế hoạch thực hiện Đề án phát triển kinh tế ban đêm năm 2024;…). Đã tổ chức thành công nhiều sự kiện, hoạt động quan trọng góp phần xúc tiến đầu tư, du lịch, kích cầu, nổi bật như: (1) Chuỗi sự kiện chào mừng “Kỷ niệm 100 năm xây dựng và phát triển thành phố Nha Trang và 15 năm Nha Trang được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Khánh Hòa”; (2) Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045; (3) Lễ hội ẩm thực Yến sào Khánh Hòa năm 2024; (4) Phiên chợ đặc sản vùng miền Khánh Hòa và Tuyến phố không dùng tiền mặt; (5) Liên hoan Du lịch Biển Nha Trang 2024, với chủ đề “Vịnh ngọc Nha Trang bừng sáng”; (6) Chương trình kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp thủy sản Khánh Hòa với các doanh nghiệp Singapore;…). Đã tổ chức nhiều Đoàn công tác xúc tiến đầu tư, du lịch ở nước ngoài (như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Lào,…).
Về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh: UBND tỉnh tiếp tục ban hành và tập trung chỉ đạo đồng bộ chương trình, kế hoạch, quy định thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nổi bật như: Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ; Bộ Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở, ban, ngành và cấp huyện thuộc tỉnh; quy định hệ số điều chỉnh giá đất trên địa bàn tỉnh năm 2024;… UBND tỉnh đã tổ chức 03 hội nghị đối thoại, gặp mặt với doanh nghiệp, nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các Sở, cơ quan ngành dọc, UBND cấp huyện đã chủ động tổ chức gần 20 hội nghị đối thoại, buổi gặp mặt với doanh nghiệp, nhà đầu tư thuộc ngành, lĩnh vực, phạm vi quản lý.
3. Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và cung cấp dịch vụ công trực tuyến tiếp tục được triển khai đảm bảo quy định và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đã công bố cập nhật 459 TTHC, phê duyệt 195 quy trình giải quyết TTHC (tổng số TTHC đến thời điểm 14/6/2024 là 2.161 thủ tục, với 2.439 quy trình giải quyết); phê duyệt danh mục 121 TTHC thực hiện rà soát, đơn giản hóa trọng tâm năm 2024; phê duyệt danh mục 09 TTHC thực hiện thí điểm cung cấp dịch vụ công trực tuyến không sử dụng hồ sơ giấy; công bố 100% TTHC đủ điều kiện thực hiện trực tuyến (602 toàn trình; 278 một phần); giao chỉ tiêu hồ sơ trực tuyến cho các cơ quan (cơ quan chuyên môn cấp tỉnh tối thiểu 55% UBND cấp huyện 50%; UBND cấp xã 40%); thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan thực hiện nghiêm quy định về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết quy định mức thu phí, lệ phí thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND tỉnh khi tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ TTHC trên môi trường bằng “KHÔNG”;…
Việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trên đã góp phần nâng cao chất lượng giải quyết hồ sơ TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: Tỷ lệ hồ sơ giải quyết sớm và đúng hạn đạt 99,49%, tăng 0,02%; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 69,37% trong tổng số hồ sơ của TTHC được công bố thực hiện trực tuyến, tăng 9,97%; thanh toán trực tuyến đạt 104.731 lượt với số tiền 88.998.558.196 đồng, tăng 54.312 lượt và 30.684.088.418 đồng; tỷ lệ cấp kết quả bản điện tử đạt 80,04%, tăng 18,92%; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết đạt 80,96%, tăng 25,36%. Tỷ lệ hồ sơ được giải quyết sớm và đúng hạn của khối cơ quan ngành dọc đạt 99,99%, tăng 0,05%; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 98,18%, tăng 13,15%.
4. Công tác tổ chức bộ máy và chế độ công vụ được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm đúng quy định, hướng dẫn. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 124 tổ chức thuộc sở (gồm 108 phòng, 16 chi cục và tương đương), giảm 33 đầu mối so với năm 2015; có 591 đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL), giảm 25 đơn vị so với năm 2022, giảm 92 đơn vị so năm 2015. Năm 2024, khối chính quyền địa phương tỉnh được giao 1.859 biên chế công chức, giảm 13,2% so với năm 2015; 22.006 chỉ tiêu viên chức, giảm 20,25% so với năm 2015. Đã tổ chức triển khai, hoàn thiện thủ tục, quy trình xét tuyển đối với 21 trường hợp trúng tuyển; tổ chức thi tuyển, chấm điểm, thông báo kết quả, chấm phúc khảo vòng 2 kỳ thi tuyển dụng công chức; tiếp nhận vào làm công chức đối với 11 trường hợp; tiếp nhận vào làm công chức và bổ nhiệm đối với 08 trường hợp; tuyển dụng viên chức đối với 1.035 trường hợp; tiếp nhận vào viên chức đối với 40 trường hợp; phê duyệt danh sách và kinh phí thực hiện tinh giản biên chế 33 trường hợp; phê duyệt danh sách và kinh phí thực hiện chế độ đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm 06 trường hợp.
5. Công tác quản lý nhà nước về tài chính công tiếp tục được thực hiện đúng quy định, đạt hiệu quả. UBND tỉnh ban hành quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024; chỉ thị về việc tổ chức thực hiện dự toán NSNN năm 2024; quy chế sử dụng, khai thác, vận hành phần mềm Quản lý phân bổ dự toán ngân sách cho các cơ quan trong địa bàn tỉnh, phần mềm Quản lý tiền lương trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo tăng cường công tác quản lý thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt kế hoạch năm 2024;... Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 06 tháng đầu năm 2024 ước hơn 31.226,2 tỷ đồng, tăng 12,73% so cùng kỳ năm 2023, xếp thứ 2 cả nước và dẫn đầu khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Thu ngân sách nhà nước ước được 9.371 tỷ đồng, tăng 23,05% so cùng kỳ năm 2023. Hiện toàn tỉnh có 137/617 ĐVSNCL được giao tự chủ hoàn toàn và tự chủ một phần, chiếm tỷ lệ 22,20% (trong đó: 09 đơn vị tự chủ 100% chi thường xuyên và chi đầu tư; 31 đơn vị tự chủ 100% chi thường xuyên; 97 đơn vị tự chủ một phần chi thường xuyên).
6. Công tác xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số được triển khai mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả nổi bật. UBND tỉnh đã ban hành 11 văn bản triển khai các hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, hiệu quả công tác Xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, Đề án 06. Hiện tại đã thành lập 145 Tổ công tác triển khai Đề án 06 tại 03 cấp chính quyền do đồng chí Chủ tịch UBND các cấp là Tổ trưởng; 100% thôn, tổ dân phố đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng và triển khai Đề án 06.
Hiện tại, tỉnh Khánh Hòa đã kết nối vào trục liên thông văn bản quốc gia; tỷ lệ văn bản được gửi đi dưới dạng điện tử (không kèm văn bản giấy) của tỉnh đạt 90,00%. Tỉnh Khánh Hòa đã hoàn thành việc kết nối, tích hợp Trung tâm Dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh với 14 hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu của Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương; đã đưa vào triển khai sử dụng 14 hệ thống thông tin, nền tảng số của tỉnh; đã hoàn thành kết nối, chia sẻ Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; đã đưa vào triển khai ứng dụng AI trên Cổng thông tin điện tử tỉnh.
100% cơ sở y tế khám - chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip; 100% đối tượng bảo trợ xã hội được cập nhật dữ liệu trên hệ thống phần mềm đăng ký, giải quyết chính sách; 100% hộ kinh doanh trên địa bàn triển khai bản đồ số hộ kinh doanh. Đã triển khai thí điểm hồ sơ sức khỏe điện tử cho 21 cơ sở y tế trên địa bàn huyện Diên Khánh. Khánh Hòa là 1 trong 6 địa phương đầu tiên của cả nước hoàn thành nhiệm vụ số hóa dữ liệu Sổ hộ tịch, triển khai thực hiện khai thác, sử dụng kể từ ngày 01/4/2024.
7. Các Chỉ số đánh giá quan trọng của tỉnh năm 2023 được công bố trong tháng 4 và 5/2024 tiếp tục có những cải thiện tích cực, trong đó: Chỉ số PAR-Index đạt 88,60%, xếp thứ 14/63, tăng 11 bậc; Chỉ số SIPAS đạt 81,01%, xếp thứ 43/63, tăng 10 bậc; Chỉ số PAPI đạt 44,94/80 điểm, xếp vị thứ 08/61, tăng 08 bậc; Chỉ số PGI đạt 22,86 điểm, xếp thứ 15/63, tăng 19 bậc.
MH - Phòng CCHC, Sở Nội vụ