Căn cứ chương trình CCHC tỉnh giai đoạn 2021-2030, UBND tỉnh ban hành kế hoạch CCHC tỉnh năm 2023, đề ra 12 mục tiêu trọng tâm, 64 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phân định rõ trách nhiệm cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp, thời hạn, kết quả trên 06 lĩnh vực CCHC. Căn cứ Kế hoạch này, lãnh đạo UBND tỉnh, các cơ quan chỉ đạo, triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt, tập trung nỗ lực để bảo đảm kết quả, hiệu quả thực hiện. Kết quả tổng hợp, 64/64 nhiệm vụ đề ra trong Kế hoạch đã hoàn thành, cơ bản đảm bảo tiến độ và hiệu quả.
Dưới đây làm một số kết quả trọng tâm, nổi bật trong công tác CCHC trên các lĩnh vực, nội dung CCHC:
1. Trong năm 2023, công tác chỉ đạo, điều hành CCHC tiếp tục được triển khai quyết liệt, đồng bộ, bám sát mục tiêu, nhiệm vụ chương trình, kế hoạch CCHC của trung ương và của tỉnh; tình hình, kết quả thực hiện CCHC được theo dõi, đánh giá thường xuyên, chú trọng kết quả, hiệu quả thực chất, từ đó đã triển khai kịp thời các mục tiêu, nhiệm vụ, đảm bảo tiến độ và kết quả
- Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh đã tổ chức trên 20 hội nghị, hội thảo, cuộc họp quan trọng về CCHC (nổi bật như: Tỉnh ủy tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện Đề án 06 và quán triệt, triển khai Nghị quyết số 30-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; UBND tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác CCHC năm 2022; phân tích và bàn giải pháp cải thiện, nâng cao các Chỉ số PAR-Index, SIPAS, PCI, PAPI năm 2023 và các năm tiếp theo; Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh tổ chức hội thảo trao đổi kinh nghiệm CCHC giữa các cơ quan trong tỉnh; họp thông qua kết quả tự đánh giá xác định chỉ số CCHC tỉnh năm 2022 và năm 2023; tổ chức 02 Đoàn công tác học tập, nghiên cứu kinh nghiệm CCHC tại 05 tỉnh;…).
- UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 63 văn bản CCHC triển khai đầy đủ, kịp thời các nội dung chỉ đạo, hướng dẫn triển khai CCHC của trung ương; chỉ đạo các cơ quan tiếp tục đẩy mạnh CCHC một cách toàn diện trên tất cả lĩnh vực, nội dung CCHC. Theo thẩm quyền, các cơ quan đã ban hành, tổ chức triển khai cụ thể các giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác CCHC.
- Công tác kiểm tra CCHC được UBND tỉnh và các cơ quan quan trâm triển khai sớm, hoàn thành đảm bảo tiến độ và hiệu quả. UBND tỉnh đã kiểm tra 27/27 cơ quan theo kế hoạch; kịp thời chỉ đạo các cơ quan khẩn trương rà soát, khắc phục, xử lý 34 hạn chế, thiếu sót, vi phạm. Theo thẩm quyền, 42/42 cơ quan đã ban hành kế hoạch, tổ chức kiểm tra, thông báo kết luận và chỉ đạo xử lý khắc phục hạn chế, thiếu sót, vi phạm sau kiểm tra.
- Công tác tuyên truyền, tập huấn CCHC được triển khai thường xuyên, liên tục, nhiều đổi mới, sáng tạo, góp phần lan toả tinh thần CCHC đến người dân, xã hội; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu quả thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
+ UBND tỉnh đã tổ chức thành công Cuộc thi “Mô hình, sáng kiến CCHC của công chức, viên chức trẻ” lần 6 - năm 2023; Cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến “Tìm hiểu về chuyển đổi số trong cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh”. Sở Nội vụ chủ trì thực hiện 04 số phát sóng trực tuyến tương tác về CCHC trên fanpage, thực hiện 05 số phát sóng Chương trình “CCHC HÔM NAY - PAR TODAY”.
+ UBND tỉnh và Sở Nội vụ tổ chức 03 hội nghị tập huấn cho gần 270 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia trực tiếp (gần 3.000 tham gia trực tuyến). Các cơ quan chủ động tổ chức khoảng 1.000 hội nghị, lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên ngành.
+ Các Cổng thông tin điện tử CCHC tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh, Cổng thông tin Dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh, Trang thông tin điện tử Chuyển đổi số tỉnh đăng tải 3.093 tin bài, văn bản liên quan đến tình hình, kết quả hoạt động CCHC, thu hút gần 800.000 lượt truy cập.
2. Công tác cải cách thể chế, quy hoạch, xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được triển khai mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả nổi bật, thể chế kịp thời các chính sách của trung ương, Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội, Chương trình hành động số 30-CTr/TU của Tỉnh ủy
- Về xây dựng và tổ chức thực hiện VBQPPL: Tỉnh Khánh Hòa ban hành 89 VBQPPL, trong đó cấp tỉnh là 75 (30 nghị quyết, 45 quyết định), cấp xã là 14 quyết định. UBND tỉnh đã công bố danh mục VBQPPL hết hiệu lực năm 2023, với 29 văn bản hết hiệu lực toàn bộ, 11 văn bản hết hiệu lực một phần; đã kiểm tra liên ngành trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2023 tại 06 cơ quan.
- Về công tác quy hoạch và xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch:
+ UBND tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 04 quy hoạch, đề án: Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Nha Trang đến năm 2040; đồ án quy hoạch chung Đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045. Theo thẩm quyền, UBND tỉnh đã phê duyệt các Đề án quan trọng như: Phát triển ngành công nghiệp, thương mại tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phát triển kinh tế ban đêm tại tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030; xây dựng thí điểm mô hình đô thị thông minh tại thành phố Nha Trang;…
+ Ngày 02/4/2023, UBND tỉnh tổ chức hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023 (là địa phương thứ 06 được phê duyệt và công bố quy hoạch). Tại hội nghị, UBND tỉnh đã ký kết 11 bản ghi nhớ với các nhà đầu tư chiến lược; khai trương và đưa vào hoạt động Cổng thông tin xúc tiến đầu tư tỉnh. Sau hội nghị, đã thành lập Ban Chỉ đạo xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh; tổ chức lại Trung tâm xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh; thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, dự án đầu tư;...
+ UBND tỉnh đã tiếp đón và xúc tiến đầu tư tại chỗ nhiều đoàn khách đến nghiên cứu cơ hội đầu tư; đã tổ chức nhiều hội nghị, đoàn công tác, sự kiện quan trọng góp phần thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh (nổi bật như: Hội nghị Xúc tiến hợp tác Ấn Độ và các tỉnh Nam Trung Bộ năm 2023; hội nghị trực tuyến xúc tiến đầu tư Khánh Hòa - Nhật Bản năm 2023; hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ; hội nghị hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa hai tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk; đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại tỉnh Hiroshima, Nhật Bản Lễ kỷ niệm 370 năm xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa; Festival Biển 2023 Nha Trang - Khánh Hòa; Chương trình liên kết phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh năm 2023;…
+ UBND tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 17 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng số vốn trên 100 tỉ đồng; đã điều chỉnh tăng quy mô vốn đầu tư cho 18 dự án, tăng hơn 40.000 tỉ đồng; đã tổ chức nhiều sự kiện, thực hiện nhiều giải pháp kích cầu, thu hút khách du lịch (năm 2023, ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa thu hút hơn 07 triệu lượt khách lưu trú, doanh thu đạt 31.778,9 tỷ đồng, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2022).
- Về cải thiện môi trường đầu tư:
+ UBND tỉnh tiếp tục ban hành và tập trung chỉ đạo đồng bộ chương trình, kế hoạch, quy chế thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nổi bật nhất là Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023; chương trình nâng cao Chỉ số PCI tỉnh năm 2023; chương trình hành động Ngành du lịch năm 2023; quy chế phối hợp trao đổi cung cấp thông tin và giải quyết khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; Bộ Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở, ban, ngành và cấp huyện;…
+ UBND tỉnh và các cơ quan đã tổ chức 37 hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư để lắng nghe, tiếp nhận và giải đáp kịp thời nhiều vướng mắc, góp phần tích cực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh (UBND tỉnh 04; các cơ quan 33).
3. Công tác cải cách TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và cung cấp dịch vụ công trực tuyến tiếp tục được triển khai đảm bảo quy định, đạt được một số kết quả nhất định
- Trong năm 2023, UBND tỉnh đã rà soát, báo cáo đề xuất phương án đơn giản hóa đối với 12 TTHC; ban hành 79 quyết định công bố danh mục TTHC, 40 quyết định phê duyệt quy trình giải quyết TTHC (tổng số TTHC đến thời điểm cuối năm 2023 là 1.913 thủ tục, với 2.425 quy trình nội bộ giải quyết TTHC); giao chỉ tiêu hồ sơ trực tuyến cho các cơ quan năm 2023; công bố danh mục 880 TTHC trực tuyến (418 TTHC một phần; 536 TTHC toàn trình). Công an tỉnh phê duyệt danh mục 27 TTHC cắt giảm thời gian giải quyết so với quy định, với tỉ lệ trung bình là 24,67%.
- Về kết quả giải quyết hồ sơ, cung cấp dịch vụ công trực tuyến:
+ Khối cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã: Tiếp nhận 543.317 hồ sơ, đã giải quyết trễ hạn là 2.597 hồ sơ, chiếm tỉ lệ 0,49% (thấp nhất từ trước đến nay, giảm 1,10% so với năm 2022); đã tiếp nhận 185.296 hồ sơ trực tuyến, đạt tỉ lệ 62,90% (cao nhất từ trước đến nay, tăng 8,26% so với năm 2022); đã phát sinh 135.943 lượt giao dịch thanh toán trực tuyến, với số tiền hơn 134 tỉ đồng.
+ Khối cơ quan ngành dọc: Tiếp nhận 4.355.116 hồ sơ, giải quyết và trả kết đúng hạn 4.353.000 hồ sơ, đạt tỉ lệ 99,96%; đã tiếp nhận 2.903.983 hồ sơ trực tuyến, đạt tỉ lệ 92,16%.
- Điểm nổi bật nhất trong việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông của tỉnh Khánh Hòa trong năm 2023 là đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính tỉnh Khánh Hòa từ ngày 30/9/2023.
4. Công tác tổ chức bộ máy và chế độ công vụ được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm đúng quy định, hướng dẫn
- Trong năm 2023, UBND tỉnh ban hành 19 quyết định quy phạm pháp luật quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh; ban hành kế hoạch triển khai sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025; ban hành chương trình hành động thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trên địa bàn tỉnh.
- Tính đến thời điểm 31/12/2023, toàn tỉnh có 124 tổ chức thuộc sở (gồm 108 phòng, 16 chi cục và tương đương), giảm 33 đầu mối so với năm 2015; có 591 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 25 đơn vị so với năm 2022, giảm 92 đơn vị so năm 2015. Hiện khối chính quyền địa phương tỉnh được giao 1.877 biên chế công chức (giảm 24 so với năm 2022) và 21.016 biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước (giảm 107 so với năm 2022). Tỉ lệ đạt chuẩn của cán bộ, công chức cấp xã đạt 100% (trong đó có: 1.418 cán bộ, 1.285 công chức).
Việc phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh tiếp tục được triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn. HĐND tỉnh thông qua Đề án đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước cho UBND cấp huyện, cấp xã, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong. HĐND tỉnh và UBND tỉnh ban hành 14 nghị quyết, quyết định về phân cấp, ủy quyền.
- Trong năm 2023, UBND tỉnh đã tiếp nhận vào làm công chức đối với 28 trường hợp; tiếp nhận vào làm viên chức đối với 15 trường hợp; đã hoàn thành công tác xét tuyển công chức 02 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh; tuyển dụng được 01 trường hợp thuộc đối tượng áp dụng chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 05/12/2017 của Chính phủ. Theo phân cấp, Sở Nội vụ thẩm định, phê duyệt, có ý kiến đối với kế hoạch tuyển dụng viên chức của 14 cơ quan; có ý kiến đối với kết quả tuyển dụng của 08 cơ quan (51 người trúng tuyển).
5. Công tác quản lý nhà nước về tài chính công tiếp tục được thực hiện đúng quy định, đạt hiệu quả
- UBND tỉnh đã ban hành theo thẩm quyền 10 quyết định quy phạm pháp luật, trình HĐND tỉnh ban hành 10 nghị quyết quy phạm pháp luật về các chính sách về lĩnh vực quản lý nhà nước về tài chính ngân sách.
- Về thu ngân sách nhà nước: Tính đến ngày 31/12/2023, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 18.012,7 tỷ đồng, vượt 16,6% dự toán và tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2022.
- Về kết quả thực hiện giải ngân vốn đầu tư công: Tính đến hết 31/01/2024, tỉnh Khánh Hòa đã giải ngân 5.132,071/7.014,021 tỷ đồng trên số Thủ tướng Chính phủ giao, đạt tỉ lệ 73,2%; giải ngân 5.132,071/5.379,728 tỷ đồng trên số giao thực tế của tỉnh, đạt tỉ lệ 95,4%.
- Về thực hiện các kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhà nước về tài chính, ngân sách theo kiến nghị của Kiểm toán nhà nước: Tính đến ngày 31/12/2023, đã thực hiện 3.224.858.795.467/3.432.710.606.335 đồng, đạt tỉ lệ 93,9%, chưa thực hiện 207.851.810.868 đồng, chiếm tỉ lệ 6,1%.
- Về giao quyền tự chủ tài chính cho đơn vị sự nghiệp công lập: Tính đến cuối năm 2023, tỉnh đã giao quyền tự cho 616 đơn vị, gồm: 09 đơn vị tự chủ 100% chi thường xuyên và chi đầu tư; 30 đơn vị tự chủ 100% chi thường xuyên; 98 đơn vị tự chủ một phần chi thường xuyên; 479 đơn vị do nhà nước đảm bảo 100% chi thường xuyên.
6. Công tác xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số được triển khai mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả nổi bật.
- Hạ tầng công nghệ thông tin dùng chung của tỉnh được nâng cấp đáp ứng nhu cầu phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo điều hành được an toàn, thông suốt. Tỉnh Khánh Hòa đã hoàn thành việc kết nối, tích hợp Trung tâm Dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh với 13 hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu của Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương; đã xây dựng và đưa vào triển khai sử dụng 14 hệ thống thông tin, nền tảng số của tỉnh (Ứng dụng Công dân số tỉnh; Hệ thống Quản lý cán bộ công chức; Hệ thống GIS Khánh Hòa; Hệ thống Hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; Hệ thống Hội nghị giao ban trực tuyến tỉnh vận hành từ cấp tỉnh đến cấp xã;…); đã hoàn thành kết nối, chia sẻ Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; đã đưa vào triển khai ứng dụng AI trên Cổng thông tin điện tử tỉnh.
- Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành (E-Office) được triển khai đồng bộ và liên thông đến 100% các cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh đến cấp xã; đã kết nối vào trục liên thông văn bản quốc gia; tỉ lệ văn bản được gửi đi dưới dạng điện tử (không kèm văn bản giấy) của tỉnh đạt 80,00%. Hiện toàn tỉnh đã có 176/176 cơ sở triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip; 100% cơ sở y tế, 460/475 cơ sở giáo dục (tỉ lệ 96,8%) đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt.
7. Chất lượng thực tác CCHC của các cơ quan tiếp tục được nâng cao, đáp ứng tốt hơn nhu cầu được phục vụ của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
- Năm 2023, từ kết quả đánh giá xếp hạng CCHC của UBND tỉnh có 35/42 cơ quan xếp loại Tốt, 06 Khá, 01 Trung bình, không có cơ quan xếp hạng yếu; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của 07/09 khối cơ quan do Sở Nội chủ trì khảo sát đạt trên 84% (đạt mục tiêu theo kế hoạch CCHC tỉnh đề ra). Bên cạnh đó, các Chỉ số đánh giá quan trọng của tỉnh trong năm 2022 (được công bố trong năm 2023) đều có cải thiện rất tích cực (Chỉ số PAR-Index xếp hạng 25/63, tăng 23 bậc; Chỉ số PCI xếp thứ hạng 16/63, tăng 28 bậc; Chỉ số PAPI xếp thứ hạng 16/61, tăng 24 bậc; Chỉ số PACA xếp thứ hạng 11/63, tăng 52 bậc).